Phan Châu Trinh (1872-1926)

 

Phan Châu Trinh  

(1872-1926) 

 



  • Tên đầy đủ: Phan Châu Trin, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, tự là Tử Cán.
  • Quốc tịch: Việt Nam
  • Ngày sinh: 9 tháng 9 năm 1872
  • Nơi sinh: phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại Nam
  • Ngày mất: 24 tháng 3 năm 1926
  • Nơi mất: Sài Gòn, Đông Dương thuộc Pháp
 

Phan Châu Trinh (1872 - 1926), hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hi Mã, tự là Tử Cán. Ông là nhà thơ, nhà văn, và là nhà hoạt động chính trị dân tộc tiêu biểu thời cận đại trong lịch sử Việt Nam. Ông tìm cách chấm dứt sự chiếm đóng thuộc địa của Pháp đối với Việt Nam. Ông phản đối cả bạo lực và quay sang các nước khác để được hỗ trợ, và thay vào đó ông tin tưởng vào việc đạt được sự giải phóng Việt Nam bằng cách giáo dục dân chúng và bằng cách kêu gọi các nguyên tắc dân chủ của Pháp.

 

Cột mốc:

  • 1872: Phan Châu Trinh sinh tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán.  
  • 1878: Mẹ ông mất sớm vào năm ông lên 6 tuổi.
  • 1886: Sau khi cha mất, ông trở về quê sống với anh là Phan Văn Cừ và tiếp tục đi học.
  • 1899: Ông học giỏi, năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và học chung với Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Phan Quang và Phạm Liệu.
  • 1900: Phan Châu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên. 
  • 1901: Triều đình mở ân khoa, ông đỗ phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
  • 1903: thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ.  
  • 1905: Ông từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng (cả hai đều mới đỗ tiến sĩ năm 1904) làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh, ba ông lẩn vào các khóa sinh. Vào trường thi, Phan Châu Trinh làm một bài thơ, còn hai bạn thì làm chung một bài phú. Cả ba đều ký tên giả là Đào Mộng Giác. Nội dung bài không theo đầu đề, mà chỉ kêu gọi sĩ tử đang đắm đuối trong khoa trường và danh lợi, hãy tỉnh dậy lo giải phóng giống nòi khỏi cảnh lao khổ.

    Chí thành thông thánh

    Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
    Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
    Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
    Bát cổ văn chương thuỵ mộng trung.
    Trường thử bách niên cam thoá mạ,
    Cánh tri hà nhật xuất lao lung?
    Chư quân vị tất vô tâm huyết,
    Thí hướng tư văn khán nhất thông.

    Dịch nghĩa

    Việc đời nhìn lại thấy chẳng còn gì,
    Sông núi không còn nước mắt để khóc các bậc anh hùng.
    Muôn dân làm tôi tớ dưới ách cường quyền,
    Nhiều người đang ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ.
    Suốt cả trăm năm chịu người mắng nhiếc,
    Lại biết ngày nào mới thoát cũi sổ lồng?
    Các anh chưa hẳn là người không tâm huyết,
    Thử lấy thơ này mà xem từ đầu đến cuối.

     

  • 1906: Ông bí mật sang Quảng Đông (Trung Quốc) gặp Phan Bội Châu, trao đổi ý kiến rồi cùng sang Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều nhà chính trị tại đây (trong số đó có Lương Khải Siêu) và xem xét công cuộc duy tân của xứ sở này. Mùa hè, Phan Châu Trinh về nước. Việc làm đầu tiên là gửi một bức chữ Hán (quen gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ quân chủ chuyên chế thối nát, yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Việt và sửa đổi chính sách cai trị để giúp người Việt từng bước tiến lên văn minh.
Khẩu hiệu của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ là: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Phương thức hoạt động của phong trào là bất bạo động, công khai hoạt động nhằm khai hóa dân tộc, giáo dục ý thức công dân - tinh thần tự do, xây dựng cá nhân độc lập - tự chủ - có trách nhiệm với bản thân và xã hội, thay đổi tận gốc rễ nền văn hóa - tâm lý - tính cách - tư duy - tập quán của người Việt, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái, cải cách trên mọi lãnh vực. Phong trào thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục (bỏ lối học từ chương, xóa mù chữ bằng cách phát động phong trào học Quốc ngữ), mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán (cắt tóc ngắn, cắt ngắn móng tay).... 
  • 1907: Phan Châu Trinh nhận lời mời ra Hà Nội tham gia diễn giảng mỗi tháng 2 kỳ ở Đông Kinh Nghĩa Thục.  
  • 1908: Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, và bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên trong phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào chống thuế nên đều bị bắt. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Tòa Khâm sứ Huế và Nam triều đều muốn khép ông vào tội chết. Nhưng nhờ sự can thiệp của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, họ buộc lòng phải kết ông án "trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên" (nghĩa là tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4.
  • 1910: Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Lôn thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án cho ông được ân xá, nhưng buộc xuống Mỹ Tho chịu quản thúc.
  • 1911: Chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật.  
  • 1914: Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Nhân cơ hội này, nhà cầm quyền Pháp tại Paris đã gọi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường (một luật sư, nhà báo người Việt chống thực dân) phải đi lính, nhưng hai ông phản đối với lý do không phải là công dân Pháp. Mấy tháng sau, chính quyền khép tội hai ông là gián điệp của Đức để bắt giam Phan Văn Trường giam ở lao Cherchemidi và Phan Châu Trinh bị giam ở nhà tù Santé (Prison de la Santé), Paris.
  • 1915: Vì không đủ bằng chứng buộc tội, chính quyền Pháp phải trả tự do cho hai ông sau nhiều tháng giam giữ. Sau khi ra tù, Phan Châu Trinh đã soạn tuyển tập thơ Santé thi tập với hơn 200 bài thơ ông sáng tác trong tù.  
  • 1921: Phan Châu Dật phải bỏ học về nước vì bị lao ruột và qua đời tại Huế.
  • 1919: Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc", và đã gây được tiếng vang.
  • 1922: Khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội vua Khải Định 7 điều, quen gọi là Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều, khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể.
  • 1925: Phan Châu Trinh cùng nhà cách mạng trẻ Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26 tháng 6 cùng năm thì về tới Sài Gòn. Sau đó, ông Ninh đưa ông về thẳng khách sạn Chiêu Nam Lầu. Đang lúc Phan Châu Trinh nằm trên giường bệnh, thì hay tin ông Ninh vừa bị mật thám Pháp đến vây bắt tại nhà vào lúc 11 giờ 30 trưa ngày 24 tháng 3 năm 1926. Ngay đêm hôm đó, lúc 21 giờ 30, ông qua đời tại khách sạn Chiêu Nam Lầu và được đem quàn tại Bá Huê lầu, số 54 đường Pellerin, Sài Gòn. Hưởng dương 54 tuổi.
 
 
Chân dung Phan Châu Trinh (1872 – 1926)
 
 
 

Chân dung Phan Châu Trinh, nhà cách mạng Việt Nam. Chân dung này đã được phát hành trên hình bìa cuốn Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Anh Minh xuất bản, Huế, năm 1959.




Chân dung Phan Châu Trinh (1872 – 1926) năm 37 tuổi, lúc mới ra tù tại Côn Đảo
 
 
 


Phan Châu Trinh và con trai Phan Châu Dật khi đang ở Pháp.
 
 

 




Hơn 60 ngàn người dân đã đến Sài Gòn, không phân biệt chính trị, đảng phái, tôn giáo tham dự, đã đưa linh cữu Phan Châu Trinh đến nghĩa trang của hội Gò Công tương tế lúc 6 giờ sáng ngày 4 tháng 4 năm 1926. 
 
 
 
 
Đám tang Phan Châu Trinh tại Sài Gòn năm 1926.
 
 
 
 
 
 Tượng Phan Châu Trinh trong khuôn viên mộ.
 
 
 
 
 Mộ Phan Châu Trinh (số 9 Phan Thúc Duyện, Phường 4) tại Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 
 
 
 
 Tem in hình Phan Châu Trinh do Việt Nam Cộng Hòa phát hành.




  Phong bì và tem in hình Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh năm 1967.
 
 
 
 
 
  Tượng Phan Châu Trinh tại Trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng.
 
 


 
 
Bia kỉ niệm ghi ngày khánh thành tượng nhân “Kỷ niệm Đệ thập nhị chu niên ngày thành lập Trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng).
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Vật Lịch Sử